Những năm gần đây mực nước biển dâng lên do tác động của biến đổi khí hậu, cùng với lưu lượng nước sông Cửu Long ngày càng ít đi trong mùa nắng, làm cho nước biển xâm nhập sâu vào đất liền, tình trạng mặn thường xảy ra sớm, và thời gian mặn gay gắt kéo dài… Hiện nay diện tích đất nông nghiệp của Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) có hơn 2,6 triệu hecta, chiếm 25% diện tích đất nông nghiệp cả nước và đóng góp đến 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, mùa khô 2015-2016, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải hứng chịu một đợt hạn – mặn lịch sử chưa từng có, gây thiệt hại nặng nề cho 9/13 tỉnh ven biển. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì tình hình biến đổi khí hậu vẫn còn diễn biến phức tạp và khó lường trong nhiều năm tới. Do đó làm sao để giải được bài toán chống hạn mặn là vấn đề rất đáng quan tâm và cần thiết.
Công ty CP HC Đất Việt đưa ra giải pháp tăng chống chịu hạn mặn cho cây trồng đến bà con nông dân với mục đích giúp cây trồng sinh trưởng phát triển mạnh, chống chịu với hạn mặn giúp tăng sản lượng, năng suất cây trồng và chất lượng nông sản.
Giải pháp tăng khả năng chống chịu, phòng chống hạn mặn cho cây trồng:
– Vùng có nguy cơ nhiễm mặn thường xuyên cần chú ý thực hiện tốt thủy lợi nội đồng để có khả năng trữ nước ngọt và ngăn mặn cục bộ, nếu trồng cây ăn trái cần dịch chuyển tránh thời điểm ra hoa, mang trái tập trung trong thời điểm nước mặn, tạo bóng mát và đậy gốc cây, có đủ điều kiện che phủ bờ líp trồng để tăng cường giữ ẩm, giảm mất nước cho cây, đất trồng. Trước giai đoạn nhiễm mặn cần tăng cường bón các loại phân có chứa các chất kali, lân, vôi, chất hữu cơ để tăng khả năng đề kháng của cây trồng. Hạn chế tỉa cành, tạo tán, nhất là tỉa đau trong lúc hoặc trước thời điểm hạn mặn.
– Trong giai đoạn bị nhiễm mặn nên phun bổ sung phân bón lá có chứa Kali.
– Phun phân bón lá có chứa Canxi và Silic để bổ sung cho cây. Silic giúp thúc đẩy quá trình quang hợp, gia tăng tỷ lệ chọn lọc của K + và giảm lượng hút Na+ của cây trồng. Canxi là nguyên tố cần thiết trong việc bảo vệ rễ cây trồng khỏi bị gây hại do mặn, giúp duy trì sự ổn định của màng tế bào, bảo vệ tế bào biểu bì giảm bị tác hại của muối. Trong điều kiện cây đang bị ảnh hưởng mặn nên phun Ca, Si ngày trước, ngày sau phun phân bón lá có chứa Kali, nên phun vào buổi chiều mát, bằng nước không bị nhiễm mặn.
– Phun phân bón lá có chứa nhiều acid humic giúp cây đủ sức vượt qua được tác hại do mặn gây ra khi bộ rễ không hút đủ dinh dưỡng, đồng thời cũng làm tăng khả năng chống chịu điều kiện bất thuận như nóng, hạn (gồm cả hạn sinh lý) do mặn gây ra.
– Bổ sung cho đất các vi sinh vật có khả năng phân huỷ các phế thải hữu cơ cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng, đồng thời giúp cây chống lại các tác nhân gây bệnh nguồn gốc từ đất, tạo ra các chất kích thích sinh trưởng thực vật làm ổn định cấu trúc đất ở vùng rễ cây trồng. Các vi sinh vật cần thiết cho cải tạo đất như vi khuẩn Pseudomonas, nấm cộng sinh vùng rễ,….
– Nếu bón phân vô cơ thì nên sử dụng phân đạm gốc amon (NH4+) để hạn chế độc Na+ và dạng phân lân dễ tiêu như super lân, DAP,… để cung cấp lân cho cây, hạn chế sự thu hút các ion Cl-quá nhiều trong cây.